Khi mắc các bệnh về khớp, bạn sẽ bị hạn chế không thể tham gia các hoạt động yêu thích. Đồng thời, bạn sẽ phải đương đầu với tình trạng cứng khớp và các cơn đau trầm trọng. Có nhiều biện pháp để giữ các khớp xương khỏe mạnh và tránh chấn thương mà bạn nên tham khảo. Chỉ với những thay đổi nhỏ dưới đây, bạn sẽ được tự do tham gia các hoạt động yêu thích mà vẫn đảm bảo giữ an toàn khớp tuyệt đối.
Khớp được cấu tạo như thế nào?
Khớp là nơi liên kết hai đầu xương của bạn. Các khớp trong cơ thể gồm có khớp gối, khớp hông, và khớp vai.
Gân, cơ và sụn có vai trò liên kết xương lại với nhau giúp xương chuyển động dễ dàng. Bất kỳ tổn thương khớp nào cũng đều có thể khiến bạn gặp khó khăn khi cử động. Chấn thương khớp có thể xảy ra với bất cứ ai. Thông thường các hoạt động thể chất có thể làm tăng nguy cơ tổn thương khớp. Khi bạn già đi, sụn bắt đầu bị lão hóa và trở nên thô cứng. Theo thời gian, tổn thương sụn có thể dẫn đến thoái hóa khớp.
Cần làm gì để bảo vệ hệ xương khớp khỏe mạnh?
Mang đồ bảo hộ thích hợp
Bạn nên đeo đệm bảo hộ khớp khi tham gia những môn thể thao vận động mạnh như bóng đá, hay các môn thể thao đòi hỏi phải chuyển động nhiều như trượt patin, đạp xe đạp, v.v.. để bảo vệ khớp khỏi những tổn thương có thể xảy ra khi vận động.
Đừng bỏ qua bước khởi động
Các vận động viên chuyên nghiệp và bác sĩ đều cảnh báo mọi người không nên bỏ qua bước khởi động khi tập thể dục. Khởi động làm nóng người trước lúc tập luyện sẽ giúp cơ thể thích ứng với các chuyển động trơn tru hơn. Bạn hãy dành ra khoảng 5 đến 10 phút để khởi động trước khi tập thể dục nhé.
Đừng ngồi và đứng quá lâu
Việc ngồi hoặc đứng cả ngày rất có hại cho khớp của bạn, làm cho các khớp của bạn bị “khóa” ở một vị trí. Ngồi quá lâu sẽ tạo áp lực lên cột sống và hông, trong khi đứng sẽ ảnh hưởng đến các khớp ở hông, đầu gối, mắt cá chân và bàn chân của bạn. Điều này làm giảm quá trình bôi trơn và làm suy yếu chức năng đệm của khớp, khiến chúng bị rách.
Duy trì cân nặng hợp lý
Duy trì cân nặng hợp lý không chỉ khiến ngoại hình bạn hấp dẫn hơn, mà còn giúp giảm áp lực lên các khớp xương trong cơ thể. Bạn càng dư cân thì áp lực các khớp phải chịu càng lớn. Nếu bạn bị béo phì, việc cố gắng giảm cân có thể làm giảm đau khớp và giúp cơ thể vận động tốt hơn. Theo một nghiên cứu, chỉ cần giảm cân 5 kg, bạn đã có thể làm giảm 50% nguy cơ mắc thoái hóa khớp gối.
Tăng độ chắc khỏe xương
Đừng quên rằng canxi và vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường sự dẻo dai cho các khớp của bạn. Một chế độ ăn uống chứa nhiều khoáng chất thiết yếu sẽ giúp xương của bạn trở nên chắc khỏe và làm giảm nguy cơ loãng xương. Không khó để tìm các nguồn cung cấp những khoáng chất này. Canxi và vitamin D có trong các sản phẩm từ sữa, sữa chua, bông cải xanh, cải xoăn, quả sung, cá hồi,… Bạn cũng có thể nhờ bác sĩ kê cho các loại thực phẩm bổ sung canxi để sử dụng.
Bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh
Phương án cuối cùng và cũng rất quan trọng là bổ sung rau và trái cây vào chế độ ăn hàng ngày của bạn. Đây là một cách hiệu quả để hấp thu đa dạng các chất dinh dưỡng. Bạn có thể kết hợp cần tây và cà rốt, bông cải xanh, ớt và dưa leo vào bữa ăn của mình.
Giữ gìn các khớp khỏe mạnh sẽ giúp bạn có một cuộc sống năng động, đồng thời bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc và yêu đời hơn. Nếu bạn có bất kì vấn đề gì liên quan tới khớp, bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn và chữa trị nhé.
Bài viết tham khảo một số tài liệu của HelloBacsi