Viêm xoang cấp tính không những ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và công việc của người bệnh mà còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị viêm xoang cấp tính kịp thời.
1. Viêm xoang cấp tính là gì?
Viêm xoang cấp tính là một dạng nhiễm trùng, viêm nhiễm trong thời gian ngắn hoặc viêm phần niêm mạc của xoang. Viêm xoang cấp tính khiến mũi bị tắc nghẹt, ngăn không cho chất nhầy trong mũi thoát ra ngoài khiến người bệnh khó chịu, đau nhức xương gò má.
Các triệu chứng của viêm xoang thường có mức độ nghiêm trọng hơn khi vào mùa đông. Đa số các trường hợp bị viêm xoang cấp tính là do bị nhiễm virus cảm lạnh thông thường, cơ thể bị nhiễm lạnh, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên… dẫn đến viêm xoang. Ngoài ra, những người hay bị dị ứng mũi, có các khối u bướu thịt, lệch vách ngăn mũi, nhiễm khuẩn vòng họng, nhiễm khuẩn răng lợi… cũng rất dễ mắc viêm xoang cấp tính. Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, phình động mạch, xuất hiện cục máu đông, nhiễm khuẩn tai…
2. Phương pháp điều trị viêm xoang cấp tính
Trường hợp bị viêm xoang cấp tính nhẹ, người bệnh có thể tự chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ để cải thiện dần các triệu chứng. Một số phương pháp thường được áp dụng như: rửa mũi bằng nước muối, dùng thuốc thông mũi…
- Thuốc súc rửa mũi: rửa mũi bằng dung dịch nước muối loãng NaCl 0,9%, rửa nhiều lần trong ngày để ngăn ngừa và giảm tình trạng viêm nhiễm. Nhỏ trực tiếp dung dịch nước muối vào hốc mũi, sau đó cúi mặt xuống để nước muối chảy ra ngoài, xì sạch mũi.
- Thuốc thông mũi, điều trị nghẹt mũi: các chất thường được dùng nhiều nhất là phenylpropanolamin, pseudoephedrin. Các dược chất này có thể giúp thông mũi hiệu quả nhưng cũng có thể gây ra một vài tác dụng phụ không mong muốn như: hạ huyết áp, kích thích hệ thần kinh trung ương… Có thể dùng thuốc dạng uống hoặc dạng xịt. Lưu ý chỉ nên dùng thuốc trong 7 ngày để không bị nhờn thuốc, kháng thuốc. Hai loại thuốc xịt mũi xylometazoline và oxymetazoline chỉ nên dùng trong vòng 4 ngày. Nếu dùng kéo dài có thể gây ra phản ứng ngược, khiến tình trạng tắc mũi nghiêm trọng hơn.
- Phương pháp điều trị và phòng ngừa viêm xoang
Nếu người bệnh bị viêm xoang cấp tính nặng và có các biểu hiện của dị ứng thì có thể dùng thuốc corticoid dạng uống hoặc dạng xịt.
- Thuốc xịt mũi có corticoid (beclomethasone dipropionate, budesonide, triamcinolone acetonide, fluticasone propionate…) rất hiệu quả trong điều trị viêm xoang. Thuốc có thể giúp làm giảm các chất trung gian gây viêm, cải thiện các triệu chứng viêm xoang như: hắt hơi, chảy nước mũi, chảy nước mắt, nghẹt mũi, phù niêm mạc…
- Thuốc Corticoid dạng xịt tuy không độc nhưng cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như: ho, buồn nôn, đau đầu, chảy máu mũi, ngứa, phát ban da, sưng mặt… Corticoid uống tuy hiệu quả nhưng hầu như không được sử dụng vì có thể gây ra nhiều tác dụng phụ độc hại như loãng xương, suy thượng thận (Cushing do thuốc), viêm loét dạ dày tá tràng… Người bệnh chỉ nên dùng Corticoid uống trong trường hợp viêm xoang nặng và dùng trong khoảng từ 3-7 ngày.
- Thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau: Trong điều trị viêm xoang cấp tính, thuốc kháng sinh luôn được hạn chế vì đa số nguyên nhân gây viêm xoang cấp là do virus nấm nên kháng sinh sẽ không có tác dụng. Điều trị viêm xoang cấp tính bằng kháng sinh chỉ được áp dụng nếu có một tình trạng nhiễm trùng nặng hoặc nhiễm trùng tái phát do vi khuẩn. Một số loại kháng sinh điều trị viêm xoang cấp như: amoxicillin, cephalosporin (thế hệ 2,3,4), nhóm macrolid (erythromycin, azithromycin…). Nếu bệnh nhân bị đau nhức vùng mặt, trán, thì nên dùng phối hợp thuốc giảm đau acetaminophen.
3. Lưu ý khi điều trị viêm xoang cấp tính
- Cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ
- Uống đủ thuốc, không tự ý dừng thuốc, bỏ liều hay tăng liều
- Nghỉ ngơi nhiều
- Uống nhiều nước
- Khi đi ngủ nên nằm cao đầu để xoang lưu thông tốt, dễ chịu hơn
- Nếu thấy các dấu hiệu nhiễm trùng như: sốt, sưng đau quanh mắt hoặc trán, khó thở….
Bài viết có tham khảo tài liệu của VINMEC