Lợi ích của bài tập yoga đối với bệnh nhân viêm xoang
Yoga không chỉ là bộ môn hoạt động thể chất mà còn tác động trực tiếp đến hơi thở, cơ hoành và các cơ quan của hệ hô hấp. Chính vì vậy, bộ môn này có thể làm giảm các triệu chứng như đau đầu, ho, thở khò khè và nghẹt mũi ở bệnh nhân viêm xoang.
Ngoài ra, yoga còn có khả năng cân bằng miễn dịch và tăng cường sức khỏe. Điều này sẽ giúp cơ thể tăng khả năng chống chịu với những tác nhân gây dị ứng, từ đó hạn chế các vấn đề sức khỏe phát sinh từ phản ứng thái quá của hệ miễn dịch.
Các bài tập yoga chữa viêm xoang dễ thực hiện
Gomukhasana
Cách thực hiện:
- Ngồi thẳng, chân xếp bằng, mặt vuông góc với sàn.
- Xếp chồng hai chân lên nhau, sao cho gót chân bên phải chạm mông trái và ngược lại.
- Nâng cánh tay phải và cong khuỷu tay đặt ở sau vai.
- Đưa tay trái về phía sau lưng, nắm lấy bàn tay phải.
- Duy trì tư thế trong 30 – 60 giây, trong thời gian này cần hít thở đều đặn, đồng thời kéo căng cơ hoành để tiếp nhận không khí.
- Thực hiện động tác khoảng 5 lần.
Janu Sirsasana
Thực hiện:
- Ngồi thẳng trên sàn
- Duỗi chân trái sang ngang, cong đầu gối phải và đặt bàn chân phải áp vào phần đùi trong của chân trái. (cần đảm bảo cả hai chân phải tiếp xúc với mặt sàn)
- Cúi người về phía trước, đưa hai tay nắm lấy bàn chân trái.
- Giữ nguyên tư thế, hít thở sâu và chậm trong khoảng 60 giây.
- Hít vào và trở lại tư thế ban đầu. Bạn có thể nghỉ vài giây và lặp lại với chân còn lại.
Động tác này không thích hợp cho bệnh nhân bị tiêu chảy hoặc chấn thương đầu gối.
Bhujangasana
Động tác Bhujangasana giúp cải thiện chức năng của phổi, giúp bạn giảm cảm giác khó thở, nghẹt mũi, thở khò khè. Động tác này được đánh giá là tư thế yoga tốt nhất cho bệnh nhân viêm xoang.
Thực hiện:
- Nằm sấp xuống sàn, để bụng tiếp xúc trực tiếp với mặt sàn. Hai chân đưa thẳng, chạm vào nhau và ngón cái phải chạm sàn.
- Di chuyển tay ra phía trước, đặt bàn tay xuống sàn ở vị trí ngang với vai.
- Dùng tay nhấc phần trên của cơ thể, đồng thời hít sâu (nên giữ cánh tay hơi cong).
- Sau đó, bạn đưa cổ về phía sau nhằm kéo giãn cơ hoành và kích thích chức năng hô hấp của phổi.
- Duy trì tư thế này trong khoảng 15 – 30 giây, trong thời gian này bạn nên duy trì giữ nhịp thở bình thường.
- Sau đó, đưa hai tay trở lại vị trí ban đầu, hạ thân trên xuống sàn.
Ustrasana
Thực hiện:
- Quỳ lên sàn, người thẳng, đặt hai tay lên hông.
- Cần đảm bảo đầu gối và vai thẳng, ngang bằng nhau, lòng bàn chân hướng lên trên.
- Hít sâu và đưa hai tay về phía sau, dùng ngón tay giữ lấy gót chân.
- Cong lưng nhẹ, giữ cổ ở vị trí trung lập và giữ nguyên tư thế trong khoảng 30 – 60 phút.
- Lặp lại động tác khoảng 5 lần.
Setu Bandhasana
Thực hiện động tác này giúp làm giảm lo lắng, trầm cảm và cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm xoang.
Thực hiện:
- Nằm thẳng người trên thảm, lưng chạm sàn
- Cong đầu gối, giữ hai bàn chân rộng ngang hông.
- Tay giữ thẳng theo chiều cơ thể, lòng bàn tay hướng xuống.
- Hít sâu vào và nâng phần lưng dưới và hông lên cao.
- Giữ tư thế trong ít nhất 1 phút, nên hít thở chậm và sâu trong thời gian này.
Bài tập này chống chỉ định với người bị chấn thương cổ và phụ nữ đang mang thai.
Adho Mukha Svanasana
Thực hiện:
- Chống hai tay và hai chân nhằm nâng cơ thể khỏi mặt sàn.
- Tiếp tục thở nhẹ nhàng và nâng phần hông cao hơn, duỗi thẳng khuỷu tay và đầu gối. Cần đảm bảo hình dáng khi tập giống hình chữ V ngược.
- Giữ tư thế trong khoảng 1 phút và trở lại vị trí ban đầu.
Salamba Sarvangasana
Thực hiện:
- Nằm trên sàn, giữ lưng chạm sàn
- Nâng chân , mông và lưng lên cao, dùng tay làm điểm tựa cho phần lưng.
- Khi ổn định tư thế, bạn nên duỗi thẳng chân và cột sống.
- Giữ nguyên tư thế trong khoảng 30 – 60 phút, nên hít thở sâu trong thời gian này.
Một số lưu ý khi thực hiện bài tập yoga chữa viêm xoang
Yoga được đánh giá là bộ môn đem lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Tuy nhiên để đạt được kết quả điều trị như mong đợi, bạn cần lưu ý một số điều khi thực hiện bộ môn này.
- Các cải thiện lâm sàng ở bệnh viêm xoang chỉ được nhìn thấy rõ rệt khi bạn luyện tập yoga trong một thời gian dài.
- Nếu triệu chứng của bệnh viêm xoang gây khó chịu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, bạn nên sử dụng những loại thuốc chuyên dụng để cải thiện.
- Cần giữ bụng đói khi tập yoga. Tập yoga ngay sau khi ăn có thể gây tức bụng và buồn nôn.
- Phụ nữ mang thai cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi luyện tập yoga.
Các bài tập yoga chữa viêm xoang trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Trước khi thực hiện những động tác này, bạn cần trao đổi với chuyên viên vật lý trị liệu để được tư vấn về hướng luyện tập phù hợp.
Tác giả : Nguyễn Thị Phương Thảo
Bài viết có tham khảo tài liệu của TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG THUỐC DÂN TỘC