Nhiều chuyên gia về gia đình cho rằng chính từ sự không hoà hợp tình dục có thể dẫn đến lừa dối, phản bội nhau, bất đồng về nhiều cái khác, không thể có hạnh phúc.
Trong khi đó, các nghiên cứu cho thấy một cuộc hôn nhân có thành công hay không phụ thuộc đến 60% vào khâu lựa chọn. Nếu chọn lầm đối tượng kết hôn sẽ biến cuộc hôn nhân thành một quá trình xung đột triền miên cho đến khi mỗi người một nẻo.
Một cuộc điều tra xã hội học tiến hành ở Mỹ cách đây không lâu nhằm mục đích tìm hiểu nguồn gốc những nỗi bất hạnh trong hôn nhân dẫn đến tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng ở quốc gia này. Các nhà nghiên cứu ghi nhận được 52% số người có gia đình được hỏi, trả lời rằng họ không hài lòng với cuộc hôn nhân hiện tại.
Điều đó chứng tỏ số người mắc sai lầm trong việc lựa chọn bạn đời chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Có cách nào tránh được sai lầm đó? Bởi nếu không thì cho dẫu có ly hôn làm lại từ đầu, vẫn có thể lại đi vào vết xe đổ.
Trong cuộc đời, nói chung lầm lỡ bất cứ cái gì cũng tai hại nhưng có lẽ tai hại nhất là lỡ lầm trong việc kết hôn. Đó là việc ta phải lựa chọn quyết định gắn bó đến trọn đời với một người nào đó. Và từ đó, tất cả sướng vui buồn khổ, thăng tiến hay hoạn nạn của đời ta cũng đồng cam cộng khổ với người đó.
Thế nhưng khi quyết định chung sống với người bạn đời của mình, chúng ta lại lựa chọn trong trạng thái tinh thần thường không sáng suốt. Bởi vì khi đó chúng ta đang yêu, chúng ta không lựa chọn bằng trí óc mà bằng … trái tim.
Đáng tiếc, tình yêu khiến người ta mù quáng, khó nhận rõ bản chất của người yêu
Những sai lầm thường thấy
Có hai yếu tố khiến con người dễ mắc sai lầm:
Một là, về phía chủ quan, trái tim đang yêu khiến ta mắc chứng “mù màu”. Nhà tình dục học người Ba Lan, Edji Cralec còn khẳng định những người dang yêu say đắm có dấu hiệu của người bị bệnh. Họ mất khả năng nhìn rõ sự thật về đối tượng yêu, không phân biệt được kẻ tốt, người xấu. Có khi còn ngược lại.
Hai là, về phía khách quan, đối tượng yêu cũng có thể biến đổi đi không đúng như bản chất thường ngày của họ. Kẻ keo kiệt có thể thành hào phóng. Kể thấp hèn thành cao thượng. Vì khi yêu, người ta có thể sống giả để phù hợp với lý tưởng thẩm mỹ của người yêu.
Đó là hai nguyên nhân chính khiến con người dễ mắc sai lầm khi lựa chọn bạn đời. Muốn tránh được điều đó, lời khuyên khôn ngoan là: Chớ nên vội vàng. Nhưng có người lại sợ lỡ thời cơ. Nhỡ người ta gặp đối tượng khác và không muốn lấy mình nữa?
Nguyên điều đó đã chứng tỏ trong chuyện ấy có điều gì đó không minh bạch. Có những điều mà hai bên còn muốn giấu nhau, chưa dám nói thật ra. Chỉ sau đám cưới, mới bộc lộ hết và nếu không chấp nhận được thì đành phải ly hôn. Thế là tưởng rằng nhanh lại hoá ra chậm.
Nhưng có những đôi trai gái không hề vội vã, họ tìm hiểu suốt một thời gian dài mà sau khi kết hôn vẫn bị lầm lỡ. Ơ đây có vấn đề trong phương pháp tìm hiểu. Họ chưa đi sâu vào những vấn đề then chốt, chỉ hoà hợp trên cảm tính về một số phương diện nào đó, không phải là những mặt chủ yếu của cuộc sống lứa đôi.
4 yếu tố hòa hợp không thể bỏ qua
Tiêu chí của sự hòa hợp
Thứ nhất, về tâm lý.
Tâm lý cũng như diện mạo con người không ai giống ai. Có thể kể ra hàng chục dạng tính cách tâm lý khác nhau, thậm chí đối chọi nhau như nước với lửa. Chẳng hạn, có người vui tính, có người hay buồn. Có người sôi nổi, có người trầm tĩnh. Nhưng cũng có khi người ta bị cuốn hút bởi cái mà mình không có.
Kinh nghiệm cho thấy, nếu hai người ở bên nhau mà cả hai đều cảm thấy luôn thoải mái, thanh thản thì như thế là hoà hợp. Còn nếu một trong hai người cảm thấy gò bó, khó chịu là không hợp nhau, sống với nhau lâu dài sẽ có ít ra là một người khổ sở.
Thứ hai, tác phong sinh hoạt.
Có người cẩn thận từng ly từng tí một. Có người đại khái, thế nào cũng xong. Hai người đó ở với nhau sẽ rất khó sống. Người cẩn thận, ngăn nắp sẽ luôn kêu ca phàn nàn về sự cẩu thả của người kia.
Trái lại, người không chú ý những cái lặt vặt sẽ luôn cảm thấy bị gò bó, khó chịu và đến một chừng mực nào đó sẽ phản ứng lại. Cuộc sống chung của hai người ấy chẳng khác đầy ải nhau. Có đôi vợ chồng gọi đến tư vấn khi họ cãi nhau nhiều qúa đến nỗi phải lấy viên phấn vạch một đường giữa nhà, mỗi người ở một bên.
Người cẩn thận cứ tha hồ dọn dẹp phần mình, còn người bừa bãi cũng tha hồ bày bừa ra nửa nhà còn lại. Sống như thế chắc chỉ chờ ngày ra toà.
Hòa hợp tình dục quyết định 50% hạnh phúc. Ảnh minh họa
Thứ ba, hoà hợp tinh thần.
Là cách nhìn nhận của mỗi người về những giá trị tinh thần như sự chung thuỷ, lòng hiếu thảo, đức hy sinh. Có anh được tặng tấm bằng khen về khoe với vợ. Nào ngờ chị ta bĩu môi :”Dào ôi, cái tờ giấy thì làm gì, cho vào nồi luộc lên mà ăn”.
Chỉ cần gặp một tình huống trong phim cũng cãi nhau, không thể nói chuyện với nhau được. Cuộc sống sẽ buồn tẻ, thậm chí người này coi khinh hoặc phỉ báng người kia.
Thứ tư, hoà hợp tình dục.
Khi ta kết hôn với ai là ta tự nguyện suốt đời chỉ quan hệ ái ân với một đối tác tình dục duy nhất. Tính toán cho thấy trung bình trong một cuộc hôn nhân, người ta quan hệ chừng 2500 lần. Vậy mà vợ chồng lại không hoà hợp “chuyện ấy” là mất đi ít nhất 50% hạnh phúc lứa đôi. Nhiều chuyên gia về gia đình cho rằng chính từ sự không hoà hợp tình dụcy có thể dẫn đến lừa dối, phản bội nhau, bất đồng về nhiều cái khác, không thể có hạnh phúc.
Trên đây là 4 phương diện cơ bản của cuộc sống vợ chồng mà trước khi kết hôn cần phải được tìm hiểu xem có hoà hợp không? Thực tế cũng cho thấy những đôi hoà hợp được cả 4 mặt trên là rất hiếm. Được 3 mặt cũng đã hạnh phúc rồi. Nhiều đôi chỉ hoà hợp được 2 mặt nói trên vẫn có thể chấp nhận. Nhưng nếu đôi nào chỉ hoà hợp được 1 trong 4 mặt thì sự kết hôn là quá mạo hiểm. Nhưng nhiều khi chỉ hợp một mặt nào đó đã thôi thúc người ta kết hôn.
Còn không hoà hợp được mặt nào, chỉ hợp những sở thích như nghe nhạc, xem phim, đi du lịch hay cùng thích khiêu vũ chẳng hạn mà vội kết hôn thì hạnh phúc với họ chỉ là những giấc mơ.
Hy vọng các bạn đang yêu, nhất là sắp kết hôn thử xem mình hoà hợp được những mặt nào trước khi quyết định gắn bó với nhau để tránh lầm lỡ ân hận suốt đời.
Theo eva.vn