Khi viêm dạ dày xuất hiện tại vị trí hang vị thì gọi là viêm hang vị dạ dày. Bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày do rất nhiều nguyên nhân gây ra, bệnh nếu được phát hiện và điều trị đúng cách thì không gây nguy hiểm.
1. Bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày là gì?
Hang vị dạ dày là phần nằm ngang của dạ dày, từ ngang góc bờ cong nhỏ dạ dày tới lỗ môn vị (môn vị tiếp nối giữa dạ dày và hành tá tràng)
Viêm xung huyết hang vị là tình trạng niêm mạc vùng hang vị dạ dày bị viêm, gây tình trạng các mạch máu giãn nở xung huyết vùng niêm mạc dạ dày bị viêm trở nên đỏ hơn các vùng khác.
Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như:
- Đa số bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày là do nhiễm vi khuẩn HP
- Do sử dụng các loại thuốc chống viêm như corticoid (prednisolon, dexamethason…) hay thuốc nhóm chống viêm không steroid ( NSAID ) như aspirin, mobic….kéo dài.
- Do căng thẳng kéo dài: Thường xuyên căng thẳng, lo âu, tức giận ảnh hưởng đến hệ thần kinh thực vật gây ra rối loạn chức năng cân bằng yếu tố tấn công và yếu tố bảo vệ dạ dày gây ra viêm dạ dày.
- Ăn uống thất thường bỏ bữa thường xuyên, ăn quá nó hay để bụng quá đói.
- Sử dụng các chất kích thích niêm mạc dạ dày thường xuyên như: Rượu, bia, cà phê, thuốc lá hay gia vị cay nóng
- Tình trạng mất ngủ diễn ra thường xuyên.
- Ngoài ra có một số ít nguyên nhân do các bệnh tự miễn.
2. Triệu chứng xung huyết hang vị dạ dày
Triệu chứng bệnh có đến 20% số bệnh nhân mắc bệnh có biểu hiện triệu chứng rất mờ nhạt, không rõ ràng, tùy vào mức độ viêm. Các trường hợp khác thông thường có biểu hiện như:
- Đau, rát vùng thượng vị ( trên rốn) đau có thể âm ỉ hay thành cơn, đau tăng về đêm khi thay đổi thời tiết, đau tăng khi ăn no.
- Đau có thể lan lên ngực, vai và sau lưng.
- Kèm theo đầy bụng, chậm tiêu, ợ hơi, ợ chua
- Có thể có cảm giác nôn, buồn nôn.
3. Viêm xung huyết hang vị dạ dày có nguy hiểm không?
Bệnh viêm xung huyết dạ dày không nguy hiểm nếu được điều trị sớm và đúng cách. Nếu bệnh không được điều trị sớm có thể gây ra:
- Gây đau, khó chịu cho người bệnh ảnh hưởng tới tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
- Nặng hơn gây loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày.
- Có thể là yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày, nhất là trường hợp viêm dạ dày do vi khuẩn HP
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh nên đi khám để phát hiện sớm bệnh, tìm căn nguyên bệnh. Trường hợp do nhiễm vi khuẩn HP cần sử dụng kháng sinh điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
Khi phát hiện bệnh người bệnh nên tuân thủ điều trị, không nên lo âu, căng thẳng và cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao đáp ứng điều trị bệnh.
4. Phòng ngừa bệnh viêm xung huyết dạ dày như thế nào?
- Chú ý sử dụng các thuốc chống viêm theo hướng dẫn và sự chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng kéo dài.
- Chế độ ăn uống hợp lý: Không ăn quá nhanh, tránh vừa ăn vừa chú ý xem tivi, ăn chậm, nhai kỹ thức ăn…
- Ăn những thức ăn dễ tiêu, hạn chế dầu mỡ, các gia vị chua cay, loại nước gây kích thích như rượu, bia, cà phê, chè, nước có gas…
- Không nên vận động ngay sau khi ăn, không ăn no quá, hạn chế ăn đêm., ăn uống đúng thời gian, không bỏ bữa thất thường.
- Thường xuyên tập thể dục hàng ngày, có thể tập những môn như dưỡng sinh, yoga… giúp tinh thần thoải mái tránh căng thẳng lo âu.
- Khi có dấu hiệu bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị bệnh, không nên để tình trạng bệnh kéo dài.
Bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày là bệnh không nguy hiểm, nhưng cần phải được phát hiện và điều trị kịp thời tránh để bệnh thành mạn tính gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh và có thể gây ra những bệnh nguy hiểm hơn như loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, nặng hơn là ung thư dạ dày. Khi điều trị người bệnh cần thoải mái về tinh thần, tuân thủ điều trị mang lại hiệu quả điều trị cao.
Bài viết có tham khảo tài liệu của VinMec