Bên cạnh việc thay đổi chế độ ăn uống, bổ sung lượng nước cần thiết có thể hỗ trợ cải thiện các vấn đề khó chịu hoặc đau dạ dày. Vậy người đau dạ dày nên uống nước gì để tăng cường sức đề kháng và điều trị bệnh, người bệnh có thể tham khảo trong bài viết bên dưới.
Tổng quan về bệnh đau dạ dày
Đau dạ dày là bệnh lý phổ biến có thể là cấp tính hoặc mãn tính. Các dấu hiệu nhận biết thường bao gồm đau bụng, đau thượng vị, đầy hơi, ợ nóng, ợ chua hoặc khó chịu ở dạ dày.
Tùy thuộc vào vị trí và khu vực tổn thương, các biểu hiện đau dạ dày bao gồm:
- Đau thượng vị: Dẫn đến các cơn đau âm ỉ hoặc gây căng tức ở phía dưới xương ức. Nếu không được điều trị, cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng hơn và gây tức ngực, khó thở.
- Đau bụng giữa: Các cơn đau xuất hiện ở khu vực giữa bụng kèm theo tình trạng buồn nôn, ợ chua hoặc khó tiêu.
- Đau bụng phía trái: Tình trạng này thường có liên quan đến các vết loét ở dạ dày. Các triệu chứng kèm theo bao gồm xuất hiện các cơn đau âm ỉ ở dạ dày và cơn đau có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh đói.
Hầu hết các trường hợp đau dạ dày không nghiêm trọng. Người thường bị đau dạ dày có thể cải thiện các triệu chứng bằng cách thay đổi lối sống, chế độ ăn uống hoặc sử dụng thuốc không kê đơn. Bên cạnh đó, người bệnh có thể tham khảo các loại thức uống có thể làm dịu dạ dày và hỗ trợ cải thiện các triệu chứng bệnh.
Người bệnh đau dạ dày nên uống nước gì?
Bổ sung chất lỏng rất quan trọng đối với bệnh nhân đau dạ dày, đặc biệt là trong trường hợp nôn mửa, đổ nhiều mồ hôi và tiêu chảy. Do đó, khi khó chịu hoặc đau dạ dày, người bệnh có thể tham khảo một số loại nước uống bổ sung như:
1. Các loại trà thảo mộc
Khi khó chịu hoặc đau dạ dày, sử dụng một tách trà nóng là cách đơn giản để giảm bớt các triệu chứng. Trên thực tế, có nhiều loại trà đã được chứng minh là có thể cải thiện và điều trị các vấn đề như buồn nôn, tiêu chảy hoặc nôn mửa.
– Trà xanh:
Trà xanh có thể giúp chữa lành vết loét dạ dày và điều trị các vấn đề như tiêu chảy khi tiêu thụ ở mức độ vừa phải. Cụ thể lợi ích cho sức khỏe của trà xanh đối với dạ dày bao gồm:
- Giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của bệnh tiêu chảy.
- Điều trị nhiễm vi khuẩn Hp, một loại vi khuẩn có thể gây đau dạ dày, buồn nôn và đầy hơi chướng bụng.
- Hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày, giảm các cơn đau, khó tiêu và chướng bụng
Uống 1 – 2 tách trà (240 – 485 ml) mỗi ngày có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, uống quá nhiều trà xanh cũng có thể dẫn đến các vấn đề khác như buồn nôn, đau dạ dày do hàm lượng caffeine cao.
– Trà gừng:
Trà gừng có thể giúp ngăn ngừa một loạt các vấn đề tiêu hóa, bao gồm đau dạ dày, buồn nôn, nôn, đầy hơi, đau quặn bụng và khó tiêu.
Người bệnh đau dạ dày có thể nghiền nhỏ một lát gừng, sau đó ngâm trong nước sôi từ 10 – 20 phút. Ngoài ra, có thể cho thêm một lát chanh và mật ong để cải thiện hương vị.
– Trà bạc hà:
Trà bạc hà có thể hỗ trợ điều trị đau dạ dày, buồn nôn và nôn. Các nghiên cứu cho biết, các tinh chất từ bạc hà có thể hỗ trợ thư giãn ruột và giúp cải thiện các cơn đau hiệu quả.
Trà bạc hà có thể tự làm bằng cách ngâm lá bạc hà đã nghiền nát trong nước nóng khoảng 7 – 12 phút. Ngoài ra, các loại trà bạc hà túi lọc cũng mang lại hiệu quả tương tự.
– Trà hoa cúc:
Trà hoa cúc có hương vị nhẹ và được sử dụng để ngăn ngừa tình trạng nôn mửa, tiêu chảy, đau dạ dày, viêm loét dạ dày cũng như các vấn đề tiêu hóa khác.
Trà hoa cúc có thể tự pha bằng cách ngâm 2 gram hoa cúc khô vào một cốc nước khoảng 237 ml trong 5 phút.
– Trà cam thảo:
Cam thảo có vị ngọt, hơi đắng. Y học cổ truyền sử dụng vị thuốc này để cải thiện các cơn đau dạ dày, chữa lành các vết loét và giảm các triệu chứng như khó tiêu, buồn nôn và đầy hơi.
Trà cam thảo có thể tìm thấy ở dạng túi lọc hoặc đóng gói. Tuy nhiên, mỗi ngày chỉ nên sử dụng 1 cốc (khoảng 240 ml) trà cam thảo. Sử dụng quá liều lượng quy định có thể mang lại nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng.
2. Các loại nước ép
Một số loại nước ép có thể hỗ trợ cải thiện các vấn đề về hệ thống tiêu hóa, đặc biệt là ở bệnh nhân thường xuyên bị đau dạ dày. Một số loại nước ép phù hợp cho người thường xuyên đau dạ dày bao gồm:
– Nước ép táo, dưa chuột và rau diếp:
Loại nước ép này có thể cải thiện các vấn đề về tiêu hóa,chữa táo bón, hỗ trợ làm dịu dạ dày và ruột. Ngoài ra, nước ép này cũng bổ sung một lượng men vi sinh có lợi cho hệ thống tiêu hóa, hạn chế tình trạng trào ngược dạ dày và viêm dạ dày.
– Nước ép bông cải xanh, đu đủ và bạc hà:
Nước ép này chứa các loại Emzym cải thiện tình trạng đầy hơi và hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Bên cạnh đó, bạc hà có trong nước ép này có thể thư giãn các cơ ở dạ dày, tăng cường chức năng tuyến mật và hỗ trợ tiêu thụ các chất béo.
– Nước ép bắp cải, cần tây và nho đỏ:
Loại nước ép này có thể làm sạch hệ thống tiêu hóa, cải thiện nhu động ruột và điều trị các triệu chứng đau dạ dày. Ngoài ra, loại nước này chứa nhiều chất chống oxy hoá và hỗ trợ loại bỏ độc tố khỏi hệ thống tiêu hóa.
– Nước ép cà rốt:
Nước ép cà rốt có thể cải thiện sức khỏe tổng thể ở hệ thống tiêu hóa và điều trị táo bón và bệnh trĩ. Ngoài ra, nước ép này cũng giảm đau viêm loét dạ dày, làm dịu lớp lót và ngăn ngừa tình trạng đau dạ dày.
– Nước ép cần tây, lê và gừng:
Đây là một hỗn hợp có thể tăng cường hệ thống tiêu hóa, làm dịu dạ dày và loại bỏ các loại độc tố có hại. Chất xơ có thể cải thiện nhu động ruột trong khi các chất chống oxy hóa có thể làm giảm nguy cơ viêm loét dạ dày.
3. Nước tinh bột nghệ
Tinh bột nghệ có vị ấm, đắng và thường được sử dụng để cải thiện các vấn đề về tiêu hóa, bao gồm điều trị tình trạng đau dạ dày. Nghệ có chứa curcumin, là hoạt chất có thể làm giảm sưng, viêm và hỗ trợ làm lành các vết loét ở dạ dày.
Để làm nước tinh bột nghệ, người bệnh có thể pha 2 thìa tinh bột nghệ vào 250 ml nước ấm, khuấy đến khi tan hoàn toàn thì dùng uống. Mỗi ngày uống 1 – 2 ly, sau bữa ăn 30 phút và liên tục trong 2 tháng để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
4. Nước dừa
Nước dừa được sử dụng như một loại nước giải khát và cải thiện tình trạng mất nước liên quan đến bệnh tiêu chảy kéo dài hoặc nôn mửa. Nước dừa chứa nhiều carbohydrate và chất điện giải như kali, natri và magiê. Do đó, nước dừa thường được sử dụng như một chất bù nước và giải nhiệt.
Bên cạnh đó, một số thành phần có trong nước dừa cũng được cho là có thể hỗ trợ thư giãn các cơ ở dạ dày, cải thiện tình trạng kích ứng và đau dạ dày.
Liều lượng sử dụng nước dừa phụ thuộc vào tuổi tác và các điều kiện sức khỏe đi kèm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia uống một cốc nước dừa trong vòng một giờ sau khi bị tiêu chảy hoặc đau quặn ở dạ dày có thể cải thiện các triệu chứng. Tuy nhiên, các chế phẩm khác từ dừa như nước cốt dừa hoặc dầu dừa có thể khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Người đau dạ dày không nên uống nước gì?
Bên cạnh việc tìm hiểu thông tin đau dạ dày nên uống nước gì, người bệnh cũng cần lưu ý tránh một số loại nước uống không phù hợp hoặc có thể khiến các triệu chứng đau dạ dày trở nên nghiêm trọng. Cụ thể, các loại nước người bệnh đau dạ dày cần tránh bao gồm:
- Sữa bò: Sữa và các sản phẩm chứa sữa có thể gây kích ứng dạ dày và đau bụng. Sữa bò thường có chứa đường sữa, khi phân hủy trong cơ thể sẽ tạo ra Lactase. Ở những người không dung nạp Lactase, sử dụng sữa có thể gây rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, tiêu chảy, đặc biệt là ở bệnh nhân Hội chứng ruột kích thích.
- Đồ uống có gas: Đồ uống có ga có thể dẫn đến các vấn đề về dạ dày, phổ biến là đau dạ dày và đầy hơi. Bên cạnh đó, các chất tạo ngọt và chất tạo hương vị ở các loại nước có gas cũng góp phần gây đầy hơi và đau dạ dày.
- Rượu: Rượu đi qua đường tiêu hóa có thể gây đau dạ dày, buồn nôn và đi tiêu bất thường, chẳng hạn như tiêu chảy. Rượu chứa rất ít chất dinh dưỡng và có thể gây kích thích niêm mạc dạ dày, khiến niêm mạc ruột yếu đi và tăng nguy cơ viêm loét dạ dày.
Biện pháp phòng ngừa đau dạ dày
Đau dạ dày có thể từ đau âm ỉ đến đau nhói và kèm theo các triệu chứng như buồn nôn, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón. Để ngăn ngừa các triệu chứng, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp như:
- Thay đổi phong cách ăn uống: Ăn chậm, nhai kỹ có thể ngăn ngừa tình trạng nuốt không khí thừa và hạn chế tình trạng đau dạ dày. Nhai chậm có thể giúp não bộ có thời gian giúp cơ thể nhận biết giới hạn khi no, điều này cũng ngăn ngừa béo phì.
- Thay đổi tuần suất ăn: Một người có thể bị đau dạ dày sau khi ăn hoặc giữa các bữa ăn. Do đó, ăn các bữa ăn nhỏ với đồ ăn nhẹ hoặc vừa phải có thể cải thiện các triệu chứng.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Thực phẩm béo, chiên hoặc quá cay có thể gây ra các cơn đau dạ dày, làm chậm quá trình tiêu hóa và gây táo bón. Do đó, bổ sung chất xơ từ rau củ, trái cây có thể điều trị tình trạng đau dạ dày và cải thiện sức khỏe của hệ thống tiêu hóa.
- Uống nhiều nước: Nước giúp thức ăn di chuyển thuận lợi và có thể tăng cường nhu động ruột. Do đó uống nhiều nước hoặc uống nước mỗi khi cảm thấy khát để cải thiện các triệu chứng đường tiêu hóa.
- Hạn chế căng thẳng: Một số người thường xuyên stress, có nhiều áp lực thường có nhiều nguy cơ đau dạ dày. Do đó, người bệnh nên dành thời gian để tập thể dục, thiền định hoặc luyện tập yoga để cải thiện sức khỏe tổng thể.
Đau dạ dày là một triệu chứng phổ biến và có thể liên quan đến nhiều điều kiện sức khỏe cũng như các bệnh lý liên quan khác. Người bệnh có thể thay đổi chế độ dinh dưỡng và tìm hiểu thông tin về việc đau dạ dày nên uống nước gì để cải thiện các triệu chứng. Trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn và tư vấn cụ thể.
Bài viết có tham khảo tài liệu của Medlatec