Viêm da cơ địa là bệnh viêm da dị ứng mãn tính. Bị viêm da cơ địa khiến người bệnh ngứa ngáy, khó chịu. Đây là bệnh thường gặp lúc thời tiết hanh khô nên cần lưu ý phòng ngừa và chăm sóc, bảo vệ da.
1. Tổng quan về bệnh viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là bệnh viêm da tái phát và mãn tính. Bệnh thường xuất hiện ở các vị trí như mặt, cổ tay, những vùng có nếp gấp, … Những người bị viêm da cơ địa cũng có nguy cơ mắc các bệnh lý dị ứng khác như viêm mũi dị ứng hoặc hen phế quản,…
2. Nguyên nhân và các yếu tố gây viêm da cơ địa
Hiện nay, nguyên nhân gây viêm da cơ địa chưa được xác định rõ. Các nhà nghiên cứu cho rằng di truyền kết hợp với các yếu tố môi trường có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm da cơ địa hoặc làm cho các triệu chứng viêm da trở nên nặng hơn.
- Các dị ứng di truyền thường gặp là: thịt và trứng của các loài gia cầm, sữa bò, sữa dê, các loại hải sản (tôm, cua, cá), phấn hoa, lông vật nuôi…
- Các yếu tố môi trường làm kích phát triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa như: thời tiết hanh khô, độ ẩm môi trường thấp, tắm nước nóng khiến độ ẩm trên da bị giảm, nhiệt độ thay đổi đột ngột, dị ứng hóa chất từ xà phòng, các chất tẩy rửa, mỹ phẩm, nước hoa, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng, dầu, khói bụi; hoặc mắc các bệnh nhiễm khuẩn da, đặc biệt là do tụ cầu vàng; hoặc bị sang chấn tâm lý.
3. Bị viêm da cơ địa có biểu hiện như thế nào?
Bệnh viêm da cơ địa có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng. Tùy thuộc vào giai đoạn tổn thương mà bệnh có các triệu chứng điển hình khác nhau.
- Giai đoạn cấp tính: Trên da xuất hiện vùng ban đỏ có hình tròn, bề mặt bong trợt và có mụn nước, tiết dịch viêm, xung quanh bị phù nề. Các vùng ban này gây ngứa cùng cảm giác rát bỏng, khiến người bị viêm da cơ địa gãi nhiều, đặc biệt là về đêm.
- Giai đoạn mãn tính: Các đám sẩn đỏ trên da dày sừng, bị bong tróc vảy, rối loạn sắc tố. Khi người bệnh gãi nhiều có thể khiến vùng da bị tổn thương trầm trọng thêm như làm tróc da, làm da dày thêm, nứt kẽ, dịch vàng đóng vảy. Các tổn thương thường xuất hiện ở nếp gấp các chi, nhất là bàn tay.
4. Điều trị và chăm sóc khi bị viêm da cơ địa như thế nào?
4.1 Điều trị viêm da cơ địa
Bệnh nhân bị viêm da cơ địa cần hợp tác chặt chẽ với thầy thuốc trong điều trị, không nên tự ý ngưng sử dụng thuốc khi có dấu hiệu thuyên giảm. Phác đồ điều trị viêm da cơ địa như sau:
- Sử dụng kem dưỡng ẩm để chống khô da.
- Sử dụng thuốc bôi corticosteroid trong một thời gian ngắn, sau đó bôi duy trì tacrolimus và kem dưỡng ẩm trong thời gian dài để hạn chế bệnh viêm da cơ địa tái phát.
- Sử dụng thuốc kháng sinh dạng bôi hoặc uống để chống nhiễm tụ cầu.
- Sử dụng thuốc kháng histamin để chống ngứa.
4.2 Chăm sóc khi bị viêm da cơ địa
- Tránh gãi nhiều hoặc chà xát vùng da bị tổn thương.
- Bôi kem dưỡng ẩm hàng ngày để chống khô da, hạn chế ngứa.
- Hạn chế tiếp xúc với các chất gây dị ứng.
- Phòng ngừa viêm da cơ địa mùa hanh khô như thế nào?
- Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố dễ gây dị ứng như mỹ phẩm, hóa chất, các loại thực phẩm.
- Khi thời tiết hanh khô, chuyển mùa, cần cảnh giác bệnh xuất hiện hoặc tái phát. Khi thấy dấu hiệu bệnh xuất hiện, nên đi khám ngay.
- Giữ gìn vệ sinh thân thể và môi trường sống sạch sẽ tốt.
- Bệnh nhân bị viêm da cơ địa nên tắm nước ấm thay vì nước lạnh.
- Nên uống đủ nước mỗi ngày và có chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất để tăng cường sức đề kháng.
Khi thời tiết hanh khô sẽ tạo điều kiện để bệnh viêm da nói chung và viêm da cơ địa nói riêng xuất hiện và tái phát. Do đó người bệnh cần cảnh giác và phòng ngừa bệnh.
Bài viết có tham khảo tài liệu của VinMec