Tìm hiểu viêm xoang mạn tính
Viêm xoang mạn tính là một bệnh lý thường gặp khi các khoảng trống trong mũi (xoang) bị viêm và sưng lên ít nhất 12 tuần cho dù bạn có điều trị hay không.
Bệnh này còn được gọi là bệnh viêm xoang mũi mạn tính, làm cản trở quá trình dẫn lưu các chất dịch, gây ra dịch mủ. Người mắc bệnh này sẽ gặp khó khăn khi thở bằng mũi, vùng quanh mắt và mặt sẽ sưng lên và cảm thấy đau vùng mặt.
Bệnh viêm xoang mạn tính có thể do nhiễm trùng, polyp mũi hoặc bị sẹo vách ngăn mũi. Bệnh này thường xảy ra ở người trẻ và trung niên nhưng cũng có thể gặp ở trẻ em.
Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm xoang mạn tính
Để xác định chẩn đoán bệnh viêm xoang mạn tính, bác sĩ sẽ dựa vào 2 trong 4 triệu chứng sau:
- Dịch tiết từ mũi đổi màu, dày hoặc chảy ngược vào họng (dẫn lưu mũi sau)
- Nghẹt hoặc sung huyết mũi dẫn đến khó thở bằng đường mũi
- Đau và sưng quanh mắt, cằm, mũi hoặc trán
- Giảm khả năng ngửi và nếm ở người lớn hoặc trẻ em.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Đau tai
- Đau răng hàm trên
- Ho có thể nặng về đêm
- Đau họng
- Hơi thở hôi
- Mệt mỏi
- Buồn nôn.
Bệnh viêm xoang mạn tính và cấp tính có các triệu chứng giống nhau nhưng bệnh cấp tính là tình trạng các xoang nhiễm trùng tạm thời khi trời lạnh. Triệu chứng của bệnh mạn tính thì kéo dài hơn và làm bạn mệt mỏi nhiều hơn. Sốt không thường gặp trong bệnh viêm xoang mạn tính nhưng có thể gặp trong viêm xoang cấp tính.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên gặp bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng sau:
- Viêm xoang kéo dài không dứt sau khi điều trị
- Các triệu chứng kéo dài hơn 7 ngày
- Các triệu chứng không cải thiện sau đi khám bác sĩ.
Đặc biệt, bạn nên đến khám bác sĩ ngay lập tức nếu có các triệu chứng nặng sau:
- Sốt cao
- Sưng hay đỏ quanh mắt
- Đau đầu nghiêm trọng
- Nhìn mờ, nhìn đôi
- Cứng cổ.
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh viêm xoang mãn tính
Một số nguyên nhân gây ra bệnh viêm xoang mạn tính bao gồm:
- Polyp mũi phát triển gây tắc nghẽn đường thoát lưu dịch của mũi hoặc xoang.
- Lệch vách ngăn mũi, phần nằm giữa 2 lỗ mũi dẫn đến tắc nghẽn đường thoát lưu dịch mũi.
- Các bệnh như biến chứng của xơ nang, trào ngược dạ dày thực quản, HIV hoặc bệnh gây suy giảm miễn dịch làm tắc nghẽn đường thoát lưu dịch mũi.
- Nhiễm trùng đường hô hấp, thường là cảm lạnh có thể gây viêm và làm dày màng lót các xoang, gây tắc nghẽn đường thoát lưu dịch. Nhiễm trùng có thể do vi khuẩn, virus hoặc nấm.
- Di ứng như sốt mùa làm tắc nghẽn đường thoát lưu dịch.
Nguy cơ mắc phải viêm xoang mãn tính
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm xoang mạn tính như:
- Đường thoát lưu dịch mũi bất thường, như lệch vách ngăn hay polyp mũi
- Hen suyễn có liên quan đến bệnh viêm xoang mạn tính
- Việc nhạy cảm với aspirin gây ra các triệu chứng đường hô hấp
- Rối loạn hệ thống miễn dịch, như HIV/AIDS hoặc bệnh xơ nang
- Tiếp xúc thường xuyên với hóa chất như khói thuốc lá.
Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Điều trị hiệu quả viêm xoang mãn tính
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế dùng để chẩn đoán bệnh viêm xoang mạn tính
Bác sĩ sẽ tìm ra những chỗ đau ở mũi, mặt và khám bên trong mũi.
Các xét nghiệm khác để chẩn đoán bao gồm:
- Nội soi mũi: ống nội soi mềm, dài có gắn đèn được đưa vào mũi giúp bác sĩ thấy rõ bên trong xoang.
- Xét nghiệm hình ảnh: CT scan hoặc MRI cho hình ảnh chi tiết các xoang và mũi giúp xác định lớp viêm dày hoặc tình trạng tắc nghẽn làm khó đưa ống nội soi vào.
- Cấy mũi xoang: phương pháp này thường không cần thiết. Tuy nhiên, khi bệnh không đáp ứng với điều trị hay ngày càng nặng hơn, cấy dịch có thể xác định nguyên nhân do vi trùng hay nấm gây ra.
- Kiểm tra dị ứng: nếu nghi ngờ bệnh được kích hoạt bởi dị ứng, bác sĩ sẽ xét nghiệm dị ứng da. Phương pháp này rất an toàn và nhanh chóng giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây bệnh.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh viêm xoang mạn tính?
Mục tiêu điều trị bệnh viêm xoang mạn tính bao gồm:
- Giảm tình trạng viêm
- Giữ đường thoát lưu dịch thông thoáng
- Hạn chế các nguyên nhân gây bệnh
- Giảm tần số bùng phát bệnh.
Các phương pháp điều trị để làm giảm các triệu chứng bao gồm:
- Nhỏ hoặc xông mũi bằng nước muối giúp giảm tắc nghẽn và rửa sạch các chất kích thích gây dị ứng.
- Corticosteroid: thuốc giúp ngăn ngừa và điều trị viêm, như fluticasone (Flonase®, Veramyst®), triamcinolone (Nasacort 24®), budesonide (Rhinocort®), mometasone (Nasonex®) và beclomethasone (Beconase AQ®, Qnasl®). Nếu không hiệu quả, bác sĩ sẽ rửa mũi kếp hợp nước muối và vài giọt budesonide (Pulmicort Respules®) hoặc khí dung mũi.
- Corticosteroid uống hoặc tiêm: những thuốc này được dùng để giảm viêm khi bạn bị viêm xoang nặng, đặc biệt là do polyp mũi. Corticosteroid uống có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng thời gian dài, vì vậy chúng chỉ được dùng để điều trị những triệu chứng nặng.
- Thuốc làm giảm nhạy cảm với aspirin nếu như nguyên nhân là do aspirin. Dưới sự theo dõi của bác sĩ, bạn sẽ được tăng liều aspirin hàng ngày lên nhằm tăng sức chịu đựng.
Thỉnh thoảng, bạn cũng được cho dùng kháng sinh nếu nguyên nhân là do nhiễm trùng. Nếu bác sĩ không thể loại trừ nguyên nhân nhiễm trùng thì có thể cho kháng sinh kết hợp với các thuốc khác.
Nếu nguyên nhân là do dị ứng, bạn sẽ cần đến liệu pháp miễn dịch để giảm phản ứng của cơ thể với các tác nhân đặc hiệu.
Trong trường hợp việc điều trị bằng thuốc không hiệu quả, bạn có thể chọn lựa phẫu thuật nội soi mũi. Bác sĩ dùng ống nội soi mềm, dài, có gắn đèn đưa vào mũi xoang. Tùy thuộc vào vị trí tắc nghẽn, bác sĩ sẽ dùng các dụng cụ để loại bỏ mô hoặc cắt polyp mũi. Một phương pháp điều trị khác là làm lớn lỗ thoát của xoang.
Chế độ sinh hoạt phù hợp khi mắc bệnh viêm xoang mãn tính
Những thói quen sinh hoạt giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm xoang mạn tính
Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Nghỉ ngơi sẽ giúp cơ thể chống lại hiện tượng viêm và nhanh chóng hồi phục.
- Uống nhiều nước lọc hay nước trái cây. Tránh các thức uống có chứa caffeine hoặc cồn. Tuy nhiên, việc uống rượu sẽ làm tình trạng sưng của lớp niêm mạc lót xoang, mũi nặng hơn.
- Giữ ẩm các xoang. Bạn có thể dùng chén nước nóng để xông mặt và giữ cho hơi nước xông thẳng vào mặt. Bạn cũng có thể tắm nước ấm, hít thở không khí ấm, ẩm để giúp giảm đau và dễ thoát dịch nhầy mũi.
- Đắp khăn ấm, ẩm quanh mũi, cằm và mắt để giảm đau.
- Rửa mũi bằng nước muối hay nước rửa mũi đặc biệt. Bạn có thể thực hiện tại nhà bằng cách dùng nước sạch, vô khuẩn, đã được đun sôi và để nguội để nhỏ giọt hoặc dùng máy xông. Bạn cần đảm bảo nước vô khuẩn và đủ độ ẩm.
- Nằm đầu cao giúp dẫn lưu thông dịch và giảm sung huyết.
Bài viết có sử dụng một số tài liệu Bệnh Viện Viêm Mũi