Nguyên nhân và những triệu chứng của đau răng
Cơn đau răng có khả năng xuất hiện dưới hình thức đau âm ỉ, ê buốt răng hoặc đau dữ dội. Đồng thời, nó cũng có thể tự phát sinh hoặc xảy ra do bị yếu tố nào đó kích thích.
Tình trạng sâu răng “đâm thủng” lớp men rồi tiến đến ngà răng có khả năng khiến bạn khó chịu vô cùng. Sâu răng tiếp cận buồng tủy răng sẽ càng gây đau đớn hơn do số lượng thương tổn của răng đã tăng lên.
Ngoài ra, lúc này, lớp cấu trúc bên ngoài của răng đã bị phá hủy, không còn đủ khả năng đảm đương trọng trách cách nhiệt và bảo vệ tủy. Bên cạnh đó, một số vấn đề sức khỏe răng miệng khác cũng có thể là yếu tố hình thành cơn đau răng, chẳng hạn như:
1. Áp xe răng
Nhiễm trùng phát sinh từ bên trong răng rồi lan đến chân răng cũng như những bộ phận xung quanh.
2. Hư răng hoặc gãy răng
Tình trạng gãy răng có nguy cơ làm lộ lớp ngà răng nhạy cảm hay thậm chí là tủy và các dây thần kinh. Trong một số trường hợp, bạn có thể không nhận ra răng đã bị gãy, dù vết gãy (nứt) có thể đã lan sâu vào bên trong răng. Tình trạng này có nguy cơ gây đau răng mỗi khi bạn cắn hay nhai, còn gọi là “hội chứng nứt răng”.
3. Các quy trình điều trị vấn đề về răng
Sau khi trám hoặc bọc, răng sẽ nhạy cảm hơn bình thường. Đặc biệt, mức độ nhạy cảm sẽ càng tăng nếu nguyên nhân điều trị răng của bạn bắt nguồn từ lỗ sâu. Do đó, dù điều trị vấn đề răng miệng là cần thiết, nhưng đôi khi các quy trình có thể gây kích thích dây thần kinh, dẫn đến cơn đau răng phát sinh.
Mặc dù vậy, theo thời gian, nếu sức khỏe răng hồi phục tốt, tình trạng trên có khả năng thuyên giảm đáng kể.
4. Nghiến răng
Người có thói quen nghiến răng thường thực hiện hành vi này trong vô thức vào ban đêm. Bên cạnh đó, không phải ai cũng biết, nghiến răng có nguy cơ gây tổn thương cho bộ phận này. Đôi khi, thói xấu trên còn kích thích các dây thần kinh, khiến răng trở nên nhạy cảm.
5. Nhiễm trùng nướu hay bệnh nướu răng
Nha chu bao gồm nướu, dây chằng nướu với phần xương chịu trách nhiệm bao bọc và cố định răng. Ở giai đoạn đầu, những vấn đề về nướu thường liên quan đến tình trạng viêm. Lúc này, nướu sẽ sưng đỏ và dễ chảy máu.
Vấn đề viêm nướu có khả năng lan đến xương hàm bao quanh răng và trở thành viêm nha chu. Khi đó, phần xương hàm bị phá hủy, dẫn đến tình trạng áp xe nướu (nhiễm trùng) hình thành, gây nên cơn nhức răng khó tả.
6. Viêm xoang
Phần chân răng hàm trên tương đối gần với các hốc xoang hàm trên. Do đó, viêm xoang có khả năng ảnh hưởng đến răng hàm, khiến chúng trở nên nhạy cảm và gây ê buốt răng.
Một số cách chữa đau răng hiệu quả
Nha sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân gây đau răng và mức độ nghiêm trọng của tình trạng này để đưa ra cách chữa đau răng hiệu quả nhất cho người bệnh. Nhìn chung, biện pháp tốt nhất để chấm dứt cơn đau khó chịu trên cần phải bao gồm hai yếu tố:
- Loại bỏ hoàn toàn sự nhiễm trùng đang phát tác ở răng (sâu răng)
- Nhanh chóng điều trị các thương tổn, nhằm bảo vệ khu vực nhạy cảm, tránh tiếp xúc với môi trường trong khoang miệng
1. Sâu răng
Đối với trường hợp lỗ sâu nông trên bề mặt răng, nha sĩ chỉ cần loại bỏ bằng cách trám răng. Tuy nhiên, khi lỗ sâu đã xâm nhập đến khu vực buồng tủy răng, nha sĩ sẽ cần phải thực hiện thêm bước điều trị tủy.
Điều này có thể giải thích bởi lúc này, tủy răng đã lộ ra và nhiễm khuẩn. Về cơ bản, quá trình điều trị tủy, còn gọi là rút tủy răng, gồm:
- Loại bỏ hoàn toàn tủy răng, kể cả dây thần kinh và mạch máu khu vực này
- Vệ sinh phần bên trong của răng rồi hàn lại bằng vật liệu trơ
2. Áp xe răng
Trong trường hợp áp xe răng, nhiễm trùng có xu hướng phát sinh ngay từ bên trong nên nha sĩ sẽ cần áp dụng liệu pháp kháng sinh để giải quyết vấn đề sức khỏe răng miệng trên.
Nếu tình trạng nhiễm trùng lan rộng, bạn có thể cần đồng thời thực hiện liệu pháp kháng sinh cũng như một số quy trình bổ sung để giải quyết triệt để mầm bệnh lây lan.
Thuốc giảm đau răng có thể được kê toa để giúp bạn đối phó với tình trạng khó chịu này. Ngoài ra, đôi khi bạn sẽ cần phải nhổ răng. Đối với tình huống răng, nướu hoặc xương hàm xung quanh bị tổn thương quá nhiều, nhổ răng là biện pháp duy nhất bạn có thể lựa chọn.
3. Áp xe nha chu
Đối với áp xe nha chu, nha sĩ chỉ cần thực hiện thủ thuật dẫn lưu đơn giản để lấy mủ ra. Sau đó, các chuyên gia sẽ tiến hành xử lý vết thương và sát trùng khu vực này, nhằm giải quyết triệt để những mầm bệnh có nguy cơ sót lại. Dung dịch kháng khuẩn chứa chlorhexidine thường đảm nhiệm vai trò này.
Tùy thuộc vào mức độ áp xe, đôi khi nha sĩ cũng có khả năng kê toa thuốc kháng sinh dạng uống cho bạn. Mặt khác, trong thời gian ngắn, họ sẽ yêu cầu bạn dùng nước súc miệng chứa chlorhexidine để hỗ trợ quá trình phục hồi. Bạn nên đánh răng nhẹ nhàng và rửa với nước ấm để tránh kích thích đến vết thương.
Bài viết có tham khảo TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG THUỐC DÂN TỘC