Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Ngọc Khánh, Trưởng Đơn nguyên Ngoại tiêu hóa – Tiết niệu – Phẫu thuật Robot & Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Việc tiết quá nhiều mồ hôi khiến mọi người cảm thấy khó chịu, thiếu tự tin trong giao tiếp cũng như trong công việc. Vậy có cách nào để điều trị tình trạng này không?
1. Bệnh tăng tiết mồ hôi là gì?
Tăng tiết mồ hôi là tình trạng tiết quá nhiều mồ hôi so với sinh lý bình thường.
Cơ chế tiết mồ hôi: Mồ hôi được sản xuất bởi các tuyến nằm ở lớp hạ bì lớp của da, giúp cơ thể điều hòa nhiệt độ. Tuyến mồ hôi được tìm thấy trên khắp cơ thể, tuy nhiên tập trung nhiều nhất là xung quanh khu vực trán, nách, lòng bàn tay và lòng bàn chân.
Một số người bị đổ mồ hôi quá mức (tăng tiết mồ hôi) ngay cả khi nghỉ ngơi hay làm việc ít, tay chân luôn ẩm ướt có khi nhỏ thành giọt gây bất tiện trong giao tiếp và làm việc (ướt tất cả vật dụng mà người bệnh cầm).
2. Bệnh tăng tiết mồ hôi có mấy loại?
Bệnh tăng tiết mồ hôi có 2 loại: Nguyên phát và thứ phát.
Chứng tăng tiết mồ hôi nguyên phát: Nguyên nhân của tăng tiết mồ hôi nguyên phát không bắt nguồn từ bệnh lý nào trong cơ thể. Thường thì không tìm được nguyên nhân, nhất là người có tiền sử gia đình bị bệnh tăng tiết mồ hôi. Việc ra nhiều mồ hôi bất thường làm cho người bệnh khó chịu, thiếu tự tin trong giao tiếp và làm việc.
Chứng tăng tiết mồ hôi thứ phát: Thường gặp ở người bị bệnh cường giáp.
Cường giáp là tình trạng lượng hormone tuyến giáp tăng quá mức trong máu. Chúng làm đẩy nhanh sự trao đổi chất trong cơ thể, dẫn đến nhịp tim nhanh và đổ mồ hôi nhiều. Những dấu hiệu thường thấy của bệnh cường giáp như cảm giác nóng trong người, hay cáu gắt khó chịu, tăng sự thèm ăn, ăn uống nhiều nhưng lại sụt cân nhanh, mắt lồi, hay mệt mỏi và gặp khó khăn trong giấc ngủ.
3. Biểu hiện bệnh tăng tiết mồ hôi
- Tăng tiết mồ hôi mặt hay đỏ mặt: Mồ hôi mặt ra nhiều khiến bệnh nhân thấy khó chịu. Bệnh nhân cũng thường có những cơn đỏ mặt, nhất là khi có ai trêu chọc, làm ảnh hưởng khi giao tiếp.
- Tăng tiết mồ hôi tay: Khi bệnh nhân có biểu hiện lo lắng thì bàn tay ra khá nhiều nhiều mồ hôi. Do bàn tay là phần quan trọng trong tiếp xúc với xã hội hay nghề nghiệp nên nhiều bệnh nhân bị tự kỷ và tránh tiếp xúc, miễn cưỡng trong bắt tay, hạn chế làm việc liên quan giấy tờ, không viết được hay làm nhoè mực… hoặc có thể bối rối khi nắm tay, bắt tay người khác.
- Tăng tiết mồ hôi nách, bàn chân và những nơi khác gây mùi khó chịu.
4. Điều trị bệnh tăng tiết mồ hôi
- Chất chống tiết mồ hôi (Antiperspirants): Đây là những loại thuốc điều trị đơn giản và được khuyến cáo dùng đầu tiên, được sử dụng cho những bệnh nhân tăng tiết mồ hôi nhẹ hay vừa. Các loại có thể có trên thị trường: Drysol, ArmsUp, Odaban, Mitchum Clear Gel Sport
- Thuốc: Thuốc chủ yếu được sử dụng là loại chống giao cảm (anticholinergic), có hay không có thuốc an thần. Chúng thường được dùng trong tăng tiết mồ hôi chung (thân, bẹn, đùi, đầu …). Thuốc thường dùng là Propantheline bromua, Propranolol SR …
- Chuyển ion (Drionics machine): Đây là phương pháp được áp dụng khi việc sử dụng thuốc không hiệu quả. Phương thức điều trị là áp dòng điện cường độ thấp vào tay hay chân bệnh nhân trong dung dịch điện giải, vài lần trong tuần. Kết quả bất thường và nhiều bệnh nhân cho là tốn thời gian và tốn kém. Khó thực hiện ở bệnh nhân tăng tiết mồ hôi nách và mặt. Hiện nay, phương pháp này chưa thực hiện ở Việt Nam.
- Chích Botulinum: Botulinum là chất được sản xuất từ vi khuẩn Clostridium Botulinum, có tác động lên chất dẫn truyền thần kinh (acetylcholine) tại điểm tiếp hợp. Thuốc được dùng để điều trị tăng tiết mồ hôi do tác dụng làm liệt dây giao cảm tiết mồ hôi, bằng cách chích vào nách hay bàn tay. Tác dụng có tính tạm thời và phải tiêm hơn hai lần trong một năm nên chi phí điều trị thường cao.
5. Điều trị tăng tiết mồ hôi bằng phẫu thuật nội soi
Ngoài các phương pháp điều trị trên, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đang ứng dụng kỹ thuật “ Nội soi cắt thần kinh giao cảm ngực” trong điều trị tăng tiết mồ hôi: Đây là kỹ thuật mới được áp dụng trong một vài năm trở lại đây và đã đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho người bệnh. Phẫu thuật chỉ được áp dụng cho người trên 18 tuổi.
Phương pháp nội soi cắt thần kinh giao cảm ngực hay còn gọi cắt hạch giao cảm là phẫu thuật nhằm phá hủy hạch giao cảm hoặc chuỗi liên kết hạch chi phối việc tăng tiết mồ hôi. Phẫu thuật được thực hiện thường quy dưới gây mê toàn thân. Cụ thể phẫu thuật thực hiện với 2-3 đường rạch da nhỏ 0.5 cm ở hai bên thành ngực dưới hõm nách để không nhìn thấy sẹo, đảm bảo tốt nhất về mặt thẩm mỹ. Hạch giao cảm ngực được che phủ bởi lớp mỏng của màng phổi trong suốt, do vậy có thể thấy dễ dàng dưới camera nội soi. Sau đó phẫu thuật viên sử dụng móc điện đốt và cắt các hạch giao cảm từ đốt sống ngực thứ 2 đến sống ngực thứ 3 (thuật ngữ chuyên môn gọi là T2–>T3) cho các bệnh nhân tăng tiết mồ hôi ở bàn tay; T2 – T4 cho những bệnh nhân có tình trạng tăng tiết mồ hôi ở nách.
Đổ mồ hôi nhiều, vì sao?
Tại bệnh viện Vinmec, người bệnh được tiến hành sàng lọc, phẫu thuật và kiểm tra sau phẫu thuật theo phác đồ điều trị chuẩn quốc tế. Phẫu thuật nội soi ngực điều trị chứng tăng tiết mồ hôi đã cho kết quả vượt trội: Có kết quả tức thì, phẫu thuật một lần cho tác dụng lâu dài, thẩm mỹ, an toàn và thời gian nằm viện chỉ 1 ngày.
Ưu điểm của phương pháp này là thời gian lưu viện ngắn, chi phí thấp, biểu hiện chân tay khô hơn sau phẫu thuật, sinh hoạt trở lại sớm, thuận tiện cho người bệnh. Nhiều bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Vinmec sau hàng chục năm phải mang những khó chịu của đôi bàn tay ướt đã trải qua rất nhiều các phương pháp điều trị khác không kết quả, đã khỏi bệnh ngay sau phẫu thuật và hoàn toàn hài lòng khi chấp nhận một khó chịu nho nhỏ là ra mồ hôi bù trừ ở vị trí khác của cơ thể.
Nguồn: Vinmec