Viêm nang lông có thể xuất hiện ở bất cứ phần nào trên cơ thể, bao gồm cả viêm nang lông vùng kín. Khi mắc viêm nang lông ở bộ phận sinh dục hay còn gọi là viêm nang lông mu, người bệnh sẽ thấy vùng kín xuất hiện một số nốt mụn mủ nhỏ, khu trú ở nang lông.
1. Nguyên nhân gây viêm nang lông vùng kín
Cả nam giới và nữ giới đều có thể mắc viêm nang lông vùng kín nữ và viêm nang lông vùng kín nam do:
- Nhiễm trùng có thể do vi khuẩn, thường là do Staphylococcus aureus (tụ cầu khuẩn), do virus hoặc nấm.
- Các nang bị nhiễm ban đầu có thể xảy ra do một sợi lông mọc ngược, gây ra bởi một khối nang bị tắc nghẽn do mồ hôi và tế bào da chết. Viêm nang lông sinh dục phổ biến hơn ở những vùng cơ thể có lông xù và thường xuyên cạo, kể cả vùng âm đạo. Ở vùng kín, lông thô hơn, da nhạy cảm hơn và nguy cơ nhiễm vi khuẩn từ dao cạo hoặc các sản phẩm tẩy lông khác do vùng da xung quanh âm đạo và đùi mỏng hơn và nhạy cảm hơn da của các bộ phận khác trên cơ thể.
- Quần áo chật và quần lót co giãn làm tăng ma sát giữa da và quần áo, kết hợp với mồ hôi từ tập thể dục hoặc thậm chí chỉ cần đi bộ liên tục, tạo ra môi trường lý tưởng cho viêm nang lông xảy ra.
- Quần áo bó sát làm bong các tế bào da chết và mồ hôi, dầu ở khu vực đó bị mắc kẹt trong các nang lông.
- Bồn tắm nước nóng bẩn cũng có thể gây viêm nang lông do vi khuẩn phát triển mạnh trong nước nóng. Hãy chắc chắn làm sạch ở khu vực giữa hai chân và xung quanh âm đạo sau khi quan hệ tình dục và sau khi sử dụng bồn nước nóng để giảm nguy cơ bị nhiễm trùng nang lông. Một số phụ nữ cũng có thể gặp phải tình trạng viêm nang lông âm hộ cao hơn trong kỳ kinh nguyệt dẫn đến do sự thay đổi nồng độ hormone.
2.Triệu chứng viêm nang lông sinh dục
Viêm nang lông âm đạo biểu hiện giống như mụn nhọt ở đùi trong, môi âm hộ và vùng gò mu của cơ thể người phụ nữ. Người bệnh cần xác định sự khác biệt giữa viêm nang lông và mụn trứng cá ở vùng kín như sau: nếu viêm nang lông thì lông mọc ở giữa mụn mủ, còn nếu không có lông thì đó là mụn trứng cá âm đạo. Nếu bạn không chắc chắn, hãy đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán.
Các dấu hiệu và triệu chứng viêm nang lông bao gồm:
- Các cụm mụn nhỏ màu đỏ hoặc mụn đầu trắng phát triển xung quanh nang lông
- Mụn nước, mủ vỡ ra
- Ngứa, rát da
- Da đau, mềm
- Có vết hoặc khối sưng lớn
Người bệnh nên đi khám bác sĩ nếu tình trạng viêm lan rộng hoặc các dấu hiệu và triệu chứng không biến mất sau một vài ngày. Bạn có thể cần một loại thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống nấm để giúp kiểm soát tình trạng này.
3. Ảnh hưởng của viêm nang lông vùng kín
Nếu không được điều trị, viêm nang lông có thể phát triển thành mụn nhọt hoặc hậu bối. Đây là những nhiễm trùng lớn hơn dưới da, đầy mủ, có thể biến thành áp xe. Nguy cơ nhiễm trùng càng cao thì nhọt càng lớn và điều trị khó khăn. Mặc dù bệnh này có thể tự lành, những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương có thể bị nhiễm trùng nặng. Rụng lông vĩnh viễn là hậu quả hiếm gặp, xảy ra khi nhiễm trùng xâm nhập đủ sâu vào da và làm hỏng nang lông, ngăn ngừa lông mọc lại.
4. Điều trị viêm nang lông sinh dục
Phương pháp điều trị viêm nang lông phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của tình trạng của bạn, biện pháp tự chăm sóc nào bạn đã thử và sở thích của bạn. Các lựa chọn bao gồm thuốc và các biện pháp can thiệp như tẩy lông bằng laser. Ngay cả khi điều trị giúp, nhiễm trùng có thể trở lại.
4.1 Thuốc
Kem hoặc thuốc để kiểm soát nhiễm trùng. Đối với nhiễm trùng nhẹ, bác sĩ có thể kê toa kem kháng sinh, kem dưỡng da hoặc gel. Kháng sinh đường uống không được sử dụng thường xuyên cho viêm nang lông. Nhưng đối với nhiễm trùng nặng hoặc tái phát, bác sĩ có thể kê đơn cho những người bệnh này.
Kem, dầu gội hoặc thuốc để chống nhiễm nấm. Thuốc chống nấm là dành cho viêm nang lông do nấm chứ không phải do vi khuẩn. Thuốc kháng sinh không hữu ích trong các trường hợp do nấm.
Kem hoặc thuốc để giảm viêm. Nếu bạn bị viêm nang lông làm tăng bạch cầu ái toan nhẹ, bác sĩ có thể kể cho người bệnh sử dụng thêm kem steroid để giảm ngứa. Nếu người bệnh có HIV/AIDS thì các triệu chứng viêm nang lông tăng bạch cầu ái toan sẽ được cải thiện sau khi người bệnh được điều trị bằng thuốc kháng virus đặc trị cho người bệnh có nhiễm virus HIV.
4.2 Các can thiệp khác
- Tiểu phẫu. Nếu bạn có một nhọt lớn hoặc hậu bối lớn, bác sĩ có thể rạch một đường nhỏ để dẫn lưu mủ. Kỹ thuật này có thể làm giảm đau, tăng tốc độ phục hồi và giảm sẹo. Sau đó bác sĩ sẽ che phủ khu vực này bằng gạc vô trùng trong trường hợp mủ tiếp tục chảy ra.
- Triệt lông bằng laser. Nếu các phương pháp điều trị khác thất bại, triệt lông lâu dài bằng liệu pháp laser có thể làm sạch nhiễm trùng. Phương pháp này đắt tiền và mất vài lần để thực hiện. Phương pháp này sẽ loại bỏ vĩnh viễn nang lông, do đó làm giảm mật độ của lông trong khu vực được điều trị. Các tác dụng phụ của phương pháp này bao gồm da bị đổi màu, sẹo và phồng rộp.
5. Phòng ngừa viêm nang lông sinh dục nam và nữ giới
Ngăn ngừa nang lông bị nhiễm trùng ở vùng lông mu bằng cách thực hành vệ sinh đúng cách, bao gồm rửa thường xuyên vùng kín bằng xà phòng nhẹ và nước ấm. Không dùng chung khăn tắm và thay khăn tắm thường xuyên để tránh vi khuẩn tích tụ, đặc biệt nữ giới cần vệ sinh âm đạo tốt trong kỳ kinh do thay đổi nội tiết tố không những làm cho da nhạy cảm hơn mà còn có dễ bị nhiễm nang lông và da bị sạm.
Sử dụng chất tẩy da chết được kê bởi bác sĩ da liễu và không sử dụng các sản phẩm chăm sóc da mặt lên vùng kín trừ khi được kê đơn. Nếu bạn chọn cạo râu, hãy sử dụng dao cạo sắc, sạch sẽ và thay đổi nó thường xuyên hoặc chuyển sang dùng dao cạo điện. Bạn cũng có thể xem xét các phương pháp tẩy lông thay thế, chẳng hạn như gel tẩy lông hoặc tẩy lông bằng laser.
Viêm nang lông sinh dục nói chung là nhẹ và dễ dàng ngăn ngừa bằng cách vệ sinh và chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là một số một số bệnh lây truyền qua đường tình dục nhất định có thể trông giống với vết sưng của viêm nang lông vùng kín hoặc mụn vùng kín.
Bài viết có tham khảo tài liệu của VinMec