Sử dụng thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng có thể cải thiện triệu chứng lâm sàng, tái tạo, phục hồi ổ viêm loét và phòng ngừa biến chứng. Ngoài ra, một số loại thuốc còn có khả năng tiệt trừ vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp), giảm căng thẳng và lo âu do bệnh tiến triển dai dẳng.
Các loại thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng
Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh lý phổ biến nhất ở đường tiêu hóa trên. Bệnh xảy ra khi dạ dày tăng tiết axit quá mức khiến niêm mạc bị viêm loét và tổn thương nghiêm trọng. Nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh lý này là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp), lạm dụng thuốc chống viêm – giảm đau, ăn uống không điều độ, hút thuốc lá, nghiện rượu bia,…
Viêm loét dạ dày tá tràng có thể được điều trị hoàn toàn bằng cách thay đổi lối sống và sử dụng thuốc. Nếu dùng thuốc đúng cách và kịp thời, ổ loét ở niêm mạc có khả năng hồi phục sau một vài tháng và hầu như không để lại di chứng nặng nề.
Dưới đây là một số loại thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng được sử dụng phổ biến nhất hiện nay:
1. Thuốc trung hòa acid dạ dày
Thuốc trung hòa acid dạ dày có khả năng trung hòa ion H của HCl và làm tăng độ pH của dịch vị lên 3 (thông thường pH của dịch vị dạ dày xấp xỉ = 2). Mục đích của việc sử dụng loại thuốc này là thay đổi nồng độ axit trong dịch vị, từ đó làm chậm hoặc ngăn chặn quá trình ăn mòn niêm mạc.
Ngoài ra, thuốc trung hòa acid dạ dày còn có khả năng ức chế phân giải protein của pepsin, tăng trương lực cơ vòng thực quản dưới và ức chế hoạt động co bóp quá mức của cơ trơn dạ dày.
Thuốc trung hòa acid dạ dày gồm có 2 nhóm chính:
- Thuốc chống acid ion (-): Nhóm thuốc này không có khả năng đệm (không thay đổi tính acid trong dịch vị) nhưng có khả năng trung hòa mạnh và nhanh. Thuốc chống acid ion (-) thường chứa Natri, Carbonate canxi, Carbonate monosodique,… Hiện nay nhóm thuốc này ít được sử dụng hoặc được chỉ định trong 1 – 2 ngày.
- Thuốc chống acid ion (+): Thuốc chống acid ion (+) có khả năng đệm tốt nên hiện nay được sử dụng phổ biến trong điều trị các vấn đề ở dạ dày, thực quản. Nhóm thuốc này thường chứa Aluminum hydroxide (Alu-tab, Amphojel, Alternagel), Aluminum phosphate (Phosphalugel, Stafos, Gasterin gel), Magnesium hydroxide (Mag-Ox 400) hoặc các dạng phối hợp cả nhôm và magie như Varogel, Maalox, Mylanta,… Thuốc chống acid ion (+) được sử dụng 4 lần/ ngày (sau 3 bữa ăn và trước khi ngủ) nhằm duy trì độ pH 3 – 3.5. Khi dùng nhóm thuốc này, cần phải sử dụng cách các loại thuốc ít nhất 2 giờ đồng hồ.
Thuốc trung hòa acid dạ dày có thể gây tiêu chảy, suy thận, tăng magie huyết, tích tụ nhôm trong máu, táo bón, loãng xương, giảm phosphate trong máu,… trong thời gian sử dụng.
2. Thuốc tạo màng bọc (bảo vệ niêm mạc dạ dày)
Thuốc tạo màng bọc có khả năng kết hợp với dịch nhầy của dạ dày nhằm tạo thành lớp bao bọc ổ loét và ngăn chặn quá trình xâm lấn của axit dạ dày. Nhóm thuốc này cũng có tác dụng trung hòa dịch vị nhưng hiệu quả kém hơn thuốc trung hòa acid.
Các loại thuốc bảo vệ niêm mạc được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm loét dạ dày tá tràng, bao gồm:
- Sucralfate: Hoạt chất này có kết cấu tương tự hồ dính, đặc và nhầy có khả năng gắn kết bề mặt ổ loét, đệm axit và bảo vệ ổ viêm loét khỏi tác động của enzyme mật, axit và pepsin trong dịch vị. Sucrafale chỉ tác động đến nồng độ HCl trong dịch vị, không ảnh hưởng đến nồng độ axit và cung lượng dạ dày. Loại thuốc này được sử dụng 4 lần/ ngày khi bụng đói hoặc 2 lần/ ngày (liều duy trì). Sucralfate được dung nạp khá tốt và hầu như chỉ gây táo bón trong thời gian sử dụng.
- Misoprostol: Misoprostol được dùng cho người bị viêm loét dạ dày tá tràng có nguy cơ phát sinh biến chứng cao hoặc sử dụng để dự phòng loét dạ dày do dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Loại thuốc này có khả năng tăng tiết dịch nhầy và ức chế bài tiết axit dạ dày nhằm hạn chế nguy cơ viêm loét niêm mạc. Chống chỉ định Misoprostol cho phụ nữ mang thai và người dị ứng prostaglandin. Loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy,…
- Bismuth: Bismuth là dạng keo hữu cơ có khả năng tan trong nước và bền vững trong môi trường có độ pH <5. Thuốc có khả năng che phủ vết loét, ngăn chặn tác động của pepsin và H+, đồng thời gắn với glycoprotein của màng nhầy nhằm bảo vệ niêm mạc và ngăn cản hoạt động trào ngược axit. Bên cạnh đó, loại thuốc này còn tăng tiết dịch nhầy và kích thích sản xuất của prostaglandin. Ngoài khả năng bảo vệ niêm mạc, Bismuth còn hỗ trợ ức chế vi khuẩn Hp. Thuốc chống chỉ định với người bị suy thận nặng.
3. Thuốc anti H2 (kháng histamine H2)
Thuốc anti H2 (Cimetidine, Ranitidin, Famotidin, Nizatidin) hoạt động bằng cách ức chế cạnh tranh thuận nghịch histamine ở thụ thể H2 nhằm giảm hoạt động bài tiết dịch vị của dạ dày. Nhóm thuốc này có khả năng ức chế tiết dịch do thức ăn, sử dụng cà phê, insulin, lúc bụng đói và giảm bài tiết axit vào ban đêm.
Thuốc anti H2 thường được sử dụng 1 lần/ ngày, thường là vào buổi chiều. Không sử dụng thuốc cho người có tiền sử mẫn cảm với các hoạt chất kháng histamine H2.
Trong thời gian sử dụng, nhóm thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ như lẫn lộn, chóng mặt, buồn ngủ, nhức đầu, ảo giác, mất ngủ, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, rụng tóc,… Ngoài ra thuốc anti H2 cũng có thể gây ra một số tác dụng ngoại ý ít gặp hơn như đau khớp, nổi ban da, giảm tiểu cầu, suy giảm ham muốn tình dục, bất lực và chứng vú to.
4. Thuốc ức chế bơm proton (PPI)
Thuốc ức chế bơm proton (PPI) có khả năng ức chế men H+/ K+ ATPase nhằm ức chế khả năng bơm H+ của tế bào viền, từ đó làm giảm khả năng bài tiết HCl. Nhóm thuốc này tác động vào giai đoạn cuối của quá trình sản xuất axit, có hiệu quả ức chế cao và kéo dài (>24 giờ đồng hồ).
Do khả năng bán thải chậm nên thuốc ức chế bơm proton (Lansoprazole, Omeprazole, Pantoprazole, Esomeprazole, Rabeprazole) chỉ được sử dụng 1 lần/ ngày trong khoảng 4 – 8 tuần. Ngoài khả năng ức chế bài tiết axit và phục hồi ổ loét, thuốc còn được sử dụng để điều trị trào ngược dạ dày thực quản. Nhờ khả năng ức chế bài tiết axit mạnh và kéo dài nên PPI còn được phối hợp với kháng sinh trong phác đồ tiệt trừ vi khuẩn Hp.
Thuốc ức chế bơm proton được dung nạp khá tốt và hầu như chỉ gây tiêu chảy, đau đầu trong thời gian sử dụng. Tuy nhiên nếu dùng thuốc trong thời gian dài, nên cân nhắc về nguy cơ loãng xương ở các nhóm đối tượng có khả năng cao như phụ nữ sau khi sinh và người cao tuổi.
5. Thuốc ức chế thụ thể choline
Thuốc ức chế thụ thể choline có khả năng ức chế thụ thể acetylcholine có tác dụng muscarine ở tế bào thành dạ dày. Nhóm thuốc này được sử dụng trong điều trị viêm loét dạ dày tá tràng nhằm ức chế khả năng bài tiết dịch vị và điều hòa hoạt động tiêu hóa.
Hiện nay, thuốc ức chế choline được chia thành 2 nhóm chính:
Chống chỉ định nhóm thuốc này đối với trường hợp hẹp môn vị, bướu lành tiền liệt tuyến, nhược cơ và tăng nhãn áp. Trong thời gian dùng thuốc, thuốc ức chế choline có thể gây giãn đồng tử, mất khả năng điều tiết mắt, khó phát âm, khô miệng, giảm dịch tiết ở phế quản, chậm nhịp tim thoáng qua, loạn nhịp tim, đánh trống ngực, hoang tưởng và dễ bị kích thích.
6. Kháng sinh tiệt trừ vi khuẩn Hp
Trong trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng dương tính vi khuẩn Hp, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh phối hợp với thuốc ức chế bơm proton/ thuốc kháng histamine H2 hoặc Bismuth nhằm tiệt trừ hoàn toàn hại khuẩn có trong dạ dày.
Các loại kháng sinh được sử dụng trong điều trị vi khuẩn Hp, bao gồm:
- Tetracyclin 1 – 2g/ ngày
- Metronidazole/ Tinidazole 1g/ ngày
- Amoxicillin 1 – 2g/ ngày
- Clarithromycin 500 – 1000mg/ ngày
Vi khuẩn Hp có khả năng kháng kháng sinh cao nên cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để đạt hiệu quả tối ưu. Nếu sử dụng không đều hoặc ngưng thuốc sớm, vi khuẩn có khả năng biến đổii và vô hiệu hóa hoạt tính của thuốc. Trong trường hợp này, bắt buộc phải thay đổi phác đồ để tránh tình trạng vi khuẩn lờn thuốc và không còn khả năng tiêu trừ.
7. Thuốc điều trị phối hợp
Ngoài các nhóm thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng chính, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc phối hợp như:
- Thuốc chống co thắt: Thuốc chống co thắt được sử dụng nhằm cải thiện cơn đau và một số triệu chứng do dạ dày co thắt bất thường. Chống chỉ định thuốc cho người mất trương lực đại tràng, tắc ruột do phân, tắc ruột do liệt ruột, tăng nhãn áp, bướu lành tiền liệt tuyến, xuất huyết tiêu hóa, hẹp môn vị, trẻ dưới 12 tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú. Các loại thuốc chống co thắt thường được sử dụng, bao gồm Buscopan, Spasmaverin, Nospra,…
- Thuốc an thần: Thuốc an thần được sử dụng trong điều trị viêm loét dạ dày tá tràng nhằm giảm kích động, lo âu và căng thẳng. Ngoài ra thuốc còn có tác dụng thư giãn cơ, an thần và gây ngủ. Các loại thuốc an thần được sử dụng chủ yếu trong điều trị viêm loét dạ dày, bao gồm Tranxene, Librax và Valium.
- Một số loại vitamin: Ngoài ra bác sĩ có thể chỉ định một số viên uống chứa vitamin nhằm hỗ trợ quá trình điều trị viêm loét dạ dày tá tràng. Vitamin B1 và B6 được sử dụng nhằm giảm hoạt động co thắt của môn vị, vitamin A có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, vitamin C và U có khả năng tăng tốc độ liền và phục hồi ổ loét.
Một số lưu ý khi dùng thuốc trị viêm loét dạ dày
Sử dụng thuốc là biện pháp điều trị chính đối với bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Tuy nhiên dùng thuốc không đúng cách có thể làm giảm hiệu quả điều trị, tăng nguy cơ kháng kháng sinh và gây ra nhiều tình huống rủi ro.
Vì vậy khi sử dụng thuốc trị viêm loét dạ dày, bạn cần lưu ý một số thông tin sau:
- Phải tiến hành thăm khám và chẩn đoán trước khi sử dụng thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng. Ở một số trường hợp, ổ viêm loét ở dạ dày có thể là biến chứng do hội chứng Zollinger-Ellison (hội chứng do có quá nhiều u gastrin khiến dạ dày tăng tiết dịch vị quá mức).
- Tuân thủ loại thuốc, liều lượng và thời gian sử dụng được bác sĩ chỉ định. Tuyệt đối không tự ý thay đổi liều lượng khi chưa qua tham vấn y khoa.
- Thông báo với bác sĩ lịch sử dùng thuốc, tiền sử dị ứng và các vấn đề sức khỏe đi kèm để được xây dựng phác đồ phù hợp.
- Trong thời gian sử dụng thuốc, cần hạn chế dùng đồng thời với thực phẩm chức năng, viên uống bổ sung và thuốc Đông y – trừ khi đã tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Bên cạnh việc dùng thuốc, cần loại trừ các yếu tố khiến ổ loét ở niêm mạc tiến triển nặng như hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng thuốc chống viêm,…
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học và thói quen sinh hoạt điều độ nhằm giảm áp lực lên cơ quan tiêu hóa, hỗ trợ kiểm soát triệu chứng và ngăn chặn tiến triển của bệnh.
- Trong trường hợp phát sinh tác dụng phụ, nên thông báo với bác sĩ để được cân nhắc về việc ngưng thuốc và thay thế loại thuốc khác.
Bài viết đã tổng hợp các loại thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên thông tin trên chỉ có giá trị tham khảo và không thể thay thế chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Vì vậy bạn nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
Bài viết có tham khảo tài liệu của Medlatec