Mụn trứng cá là tình trạng rất thường gặp, đặc biệt hay xảy ra ở các bạn thanh thiếu niên. Da bị mụn không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng trầm trọng đến tâm lý của người mắc phải. Khi bị mụn, chúng ta thường có tâm lý muốn nốt mụn xẹp nhanh nhất có thể. Có nhiều ý kiến cho rằng kem đánh răng có công dụng trị mụn một cách tuyệt vời. Nó sẽ giúp nốt mụn giảm sưng viêm và biến mất nhanh chóng. Vậy thật sự hiệu quả của kem đánh răng trong điều trị mụn như thế nào và có nên trị mụn bằng kem đánh răng hay không. Trong bài viết này, chuyên gia từ Youmed sẽ giúp bạn tìm hiểu hiệu quả trị mụn của kem đánh răng như thế nào nhé!
1. Vì sao kem đánh răng lại trị được mụn?
Một số lý do được đưa ra giúp giải thích cho việc điều trị mụn của kem đánh răng đó là:
- Nhiều loại kem đánh răng có chứa một thành phần hóa học có tên gọi là Triclosan. Thành phần này có tính chất kháng khuẩn và giúp tiêu diệt vi khuẩn hoạt động ở những nốt mụn viêm.
- Một vài thành phần khác trong kem đánh răng như baking soda, cồn, hydrogen peroxide có tác dụng làm khô. Nhờ vậy mà các nốt mụn viêm nhanh chóng khô cồi khi thoa kem đánh răng.
- Menthol là một thành phần khác trong kem đánh răng giúp giảm đau và giảm sưng ở nốt mụn.
Trên đây là những giả thiết được đưa ra để giải thích vì sao nốt mụn giảm sưng viêm sau khi bôi kem đánh răng. Tuy nhiên, việc điều trị mụn bằng kem đánh răng sẽ gây hại nhiều hơn là lợi. Các bác sỹ da liễu không đưa ra lời khuyên rằng sử dụng kem đánh răng khi điều trị mụn vì các lý do sau đây.
2. Thành phần trong kem đánh răng được thay đổi
Trước đây Triclosan là thành phần sử dụng thường xuyên trong kem đánh răng và nó có tác dụng kháng khuẩn. Tuy nhiên hiện tại Triclosan không còn được sử dụng nữa vì khả năng gây hại lên tuyến giáp. Vì vậy, nếu bạn tìm thấy một loại kem đánh răng còn chứa thành phần này để bôi lên mụn thì có thể gây hại nhiều hơn lợi ích đem lại.
3. Kem đánh răng gây kích ứng da
Chúng ta cần lưu ý là kem đánh răng dùng cho răng miệng chứ không phải cho da mặt nhạy cảm. Nhiều thành phần hóa học trong kem đánh răng tương đối mạnh so với da của chúng ta. Chẳng hạn baking soda trong kem đánh răng quá nhiều có thể gây bỏng rát và phát ban da. Đồng thời muối sulfate trong kem đánh răng có thể gây kích ứng mạnh cho da. Ngoài ra kem đánh răng có độ pH acid, không phù hợp với độ pH trung tính của da. Điều này làm cho da kém khỏe mạnh do mất đi độ pH tự nhiên.
4. Kem đánh răng có thể gây nổi mụn
Vì trong kem đánh răng có nhiều thành phần hóa học gây khô da và mất đi độ pH tự nhiên. Điều đó làm cho chức năng của da bị rối loạn và khiến cho da của bạn bị nổi mụn nhiều hơn.
5. Dùng gì để thay thế kem đánh răng khi trị mụn?
Mặc dù kem đánh răng có thể giúp nốt mụn của bạn giảm sưng viêm. Nhưng những tác hại mà nó đem lại là khá nhiều cho làn da mỏng manh. Vì thế, khi bị mụn thì các bạn có thể sử dụng các sản phẩm thay thế sau đây:
- Sản phẩm trị mụn. Những thành phần giúp trị mụn hiệu quả bao gồm salicylic acid, benzoyl peroxide và retinoid. Các bạn có thể tìm thấy những thành phần này trong sữa rửa mặt, chất giữ ẩm hay mặt nạ. Các thành phần kể trên đều giúp nhân mụn nhanh khô và tiêu còi mà ít gây tổn hại cho da.
- Tràm trà. Một số sản phẩm thiên nhiên có thể giúp giảm mụn viêm nhanh chóng. Chẳng hạn như tinh dầu tràm trà là thành phần giúp các nốt mụn đang viêm xẹp nhanh chóng. Các bạn có thể chấm trực tiếp tinh dầu lên nốt mụn viêm hoặc sử dụng chung với các sản phẩm khác.
- Cây liễu. Chiết xuất từ cây liễu có chứa thành phần salicylic acid. Đây chính là thành phần giúp trị mụn hiệu quả.
- Thành phần khác. Bên cạnh đó các sản phẩm có chứa than hoạt, lưu huỳnh hay đất sét cũng rất hiệu quả đối với da mụn.
Tóm lại, kem đánh răng có thể giúp giảm sưng và khô nốt mụn viêm một cách nhanh chóng. Tuy nhiên tác dụng phụ mà kem đánh răng gây ra thì nhiều hơn các lợi ích nó đem lại. Mặc khác da bị mụn là một làn da cực kỳ nhạy cảm. Vì vậy khi bị mụn, các bạn nên sử dụng các sản phẩm chứa thành phần trị mụn đặc trị. Các thành phần thay thế kể trên được chứng minh là hiệu quả và an toàn trong điều trị mụn. Các bạn hãy cùng thử xem hiệu quả mà chúng đem lại như thế nào nhé!
Nguồn YOUMED